Nếu các bạn đã đi làm ở nhiều gara thì có thể dễ dàng nhận thấy, việc kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống phanh ô tô có tần suất khá cao, dường như chỉ đứng sau việc bảo dưỡng động cơ ô tô định kỳ.
Vì vậy, đối với các bạn chuẩn bị bước vào môi trường làm việc gara sau ghế nhà trường, thì kiến thức để kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống phanh ô tô là điều cần phải nắm bắt trước. Và với bài viết này, hãy cùng gara ô tô Vương Phát đi từ những điều cơ bản nhất về hệ thống phanh ô tô nhé các bạn.
Có khá nhiều cách để các bạn có thể kiểm tra hệ thống phanh, và quá trình kiểm tra hệ thống phanh còn tùy thuộc vào tình trạng mà phanh ô tô đang gặp phải để có cách bảo dưỡng và khắc phục đúng hướng mang lại hiệu quả cao nhất.
Phương pháp 1: Kiểm tra phanh bằng cách quan sát trong khi lái xe
– Khi bạn đạp chân trên bàn đạp thắng nếu không cảm nhận được sự chắc chắn, hoặc khi bạn đã đạp bàn đạp thắng cho tới chạm sát sàn mới “ăn thắng”, điều này chứng tỏ hệ thống phanh mà bạn đang kiểm tra đang gặp vấn đề do bị thiếu dầu phanh, dầu phanh đã bị rò rỉ.
– Khi đạp thắng mà xe rung hoặc tay lái rung, điều này cho thấy đĩa phanh xe đã quá mòn, các bạn cần tư vấn khách tráng mặt lại hoặc thay mới đĩa phanh.
– Khi các bạn chạy rà và lắng nghe âm thanh, nếu nghe tiếng rít, hoặc có tiếng như âm thanh của 2 vật kim loại chà vào nhau, điều này có nghĩa lớp bố thắng xe đã quá đã mòn.
Phương pháp 2: Kiểm tra phanh bằng cách quan sát khoang động cơ
– Các bạn mở nắp capo và thăm lượng dầu thắng có trong hộp. Nếu thấy mực dầu thắng đang ở mức thấp, thì cần tư vấn phải châm thêm vào, hãy khuyến cáo khách hàng mỗi tháng châm kiểm tra 1 lần.
Tuy nhiên khi bạn nhận thấy mực dầu thắng giảm sút quá thường xuyên, điều này có thể là do dầu trong hệ thống đã bị rò rỉ. Hãy kiểm tra các đường ống dẫn dầu của hệ thống thắng nhé các bạn.
Lưu ý:
Đơn giản nhưng đáng chú ý: Khi bạn chuẩn bị châm dầu vào hộp, cần lau sạch miệng của chai dầu, đồng thời tránh để dầu thắng nhỏ lên thành xe, nhất là những chi tiết sơn vì nó sẽ làm hỏng nước sơn ở body xe.
Các bạn có thể kiểm tra chất lượng của dầu có còn đảm bảo hay không qua màu sắc. Dầu mới thì thường trong hoặc trong mờ, còn dầu cũ và sắp hỏng sẽ có màu sậm bẩn.
Phương pháp 3: Kiểm tra hệ thống ống dẫn dầu thắng dưới gầm xe
Khi bạn kiểm tra hệ thống ống dẫn dầu thắng dưới gầm thì các bạn cần phải đưa xe lên cầu và quan sát các đường dây dẫn dầu mềm và các đường ống kim loại cứng xem có bị rò hoặc rỉ sét hay không.
Cần kiểm tra tất cả đường ống dẫn kim loại chạy dọc gầm xe theo chiều dài của xe và các đường ống cao su vận chuyển dầu đến heo dầu nằm ở bánh xe. Ở các ống mềm, nếu có các vết sần sùi chứng tỏ có dấu hiệu của sự rò rỉ dầu.
Lưu ý thêm: Các bạn không được để các đường ống này va chạm hoặc tiếp xúc vào những chi tiết di động hoặc gây nhiệt trên xe, ví dụ như ống bô.
Phương pháp 4: Kiểm tra bằng cách gỡ bánh
Các bạn gỡ bánh xe ra để kiểm tra trực tiếp tình trạng của bộ phận đĩa phanh xem chúng có bị xước hoặc mòn hay không. Nếu có thì đã đó dấu hiệu của cặn bẩn xâm nhập bám giữa bố phanh và bề mặt đĩa phanh. Tùy từng trường hợp mà bạn tư vấn khách nên tráng đĩa (vớt đĩa) hay thay mới.
Với phanh tang, các bạn cẩn thận tháo phần trống phanh và kiểm tra bên trong. Khi kiểm tra, cần để ý thắng có bám nhiều bụi hay không, mặt trong của phanh hoặc mặt ngoài của đĩa có bị cong lên không hay heo dầu có bị hư hỏng gì không…
Khi phải thay đĩa phanh, bố và dầu phanh thì sau khi thay phải xả air (xả gió, xả E) cho hệ thống phanh để xả không khí trong hệ thống dầu, đảm bảo phanh xe hoạt động hiệu quả hơn.
Nếu kiểm tra đĩa thấy phanh bị mòn không đều, rung lắc, có hiện tượng đảo khi phanh, là hiện tưởng của đĩa phanh bị gồ ghề, cong vênh, không đồng nhất về độ dày. Cần tư vấn khách hàng láng lại đĩa phanh để giải quyết vấn đề.
Lưu ý: Ðối với các dòng xe ô tô đời mới trang bị ABS cần hết sức cẩn thận, khi láng đĩa cần xem xét độ dày tối thiểu cho phép. Một số xe rất khó xử ư không thể láng đĩa phanh để khắc phục mà cần phải thay mới đĩa phanh khi bị xước, mòn.
Nguồn: Vatc